CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI VỀ TUYỂN SINH TẠI PHÂN HIỆU

Đăng vào 01/04/2022 00:00

I. CÂU HỎI VỀ THÔNG TIN TUYỂN SINH

          1. Tại Phân hiệu, trình độ đại học tuyển sinh và đào tạo ngành nào?

          Trả lời:

          Đối với trình độ đại học ở cả hình thức chính quy và vừa làm vừa học, tại Phân hiệu chỉ tuyển sinh và đào tạo ngành Luật.

          Đây là ngành đào tạo bài bản, nền tảng nhất của Trường Đại học Luật Hà Nội với đội ngũ giảng viên; hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo có chất lượng tốt nhất. Đây cũng là chuyên ngành đào tạo có nhiều cơ hội nhất để tìm kiếm việc làm và tiếp tục học để nâng cao trình độ lên thạc sỹ, tiến sỹ luật học.

          2. Cách thức nộp hồ sơ để được xét tuyển đại học chính quy vào Phân hiệu như thế nào?

          Trả lời:

          Căn cứ vào quy chế tuyển sinh đại học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hàng năm Trường Đại học Luật Hà Nội ban hành Đề án tuyển sinh trình độ đại học của năm đó. Trong đó, quy định cụ thể về chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh và các điều kiện, tổ hợp cụ thể cho từng ngành tuyển sinh.

          Ngoài tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay Trường đang áp dụng 02 phương thức tuyển sinh đối với trình độ đại học hình thức chính quy:

          - Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT: thí sinh nộp hồ sơ theo Thông báo cụ thể của Trường.

          - Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT của năm Trường tuyển sinh: thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo cách thức và thời gian quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

          3. Ở bậc đào tạo thạc sĩ, tại Phân hiệu đào tạo những ngành nào?

          Trả lời:

          Căn cứ vào Kế hoạch tuyển sinh cao học hàng năm của Trường Đại học Luật Hà Nội, dựa trên nhu cầu đào tạo/khảo sát nhu cầu đào tạo của từng ngành học bậc thạc sĩ tại Phân hiệu, Trường sẽ phân bổ chỉ tiêu và ngành tuyển sinh tại Phân hiệu trong từng năm.

          Các ngành học phổ biến/có nhu cầu cao tại Phân hiệu là:

          - Ngành Luật hiến pháp và luật hành chính

          - Ngành Luật kinh tế

          - Ngành Luật dân sự và tố tụng dân sự

          - Ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự

II. CÂU HỎI VỀ ĐÀO TẠO

          1. Học tại Phân hiệu có được xét cấp học bổng không?

          Trả lời:

          Mọi chế độ, chính sách và học bổng, học phí đối với người học tại Phân hiệu và tại trụ sở chính của Trường Đại học Luật Hà Nội đều được áp dụng chung, thống nhất theo quy định của pháp luật và quy định của Trường.

          Tại Phân hiệu, việc xét và trao học bổng hàng năm đối với sinh viên đại học chính quy được thực hiện theo kế hoạch chung của Trường Đại học Luật Hà Nội.

          Ngoài ra, trong những năm vừa qua, sinh viên đại học chính quy tại Phân hiệu cũng được cấp các suất học bổng Hessen, CHLB Đức nếu đạt các tiêu chí xét theo yêu cầu.

          2. Trúng tuyển đại học chính quy tại Phân hiệu, sau này có được chuyển ra học tại trụ sở chính của Trường ở Hà Nội không?

          Trả lời:

          Theo quy chế đào tạo trình độ đại học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Trường Đại học Luật Hà Nội, sinh viên có thể được chuyển từ Phân hiệu ra học tại trụ sở chính của Trường (hoặc ngược lại).

          Sinh viên được xem xét chuyển từ Phân hiệu ra học tại Trụ sở chính (hoặc ngược lại) khi có đủ các điều kiện sau:

          - Không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, sinh viên không đang trong thời gian bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định;

          - Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo, của trụ sở chính (hoặc Phân hiệu) trong cùng khóa tuyển sinh hoặc sinh viên đạt học lực loại Giỏi và đạt điểm rèn luyện từ loại Tốt trở lên;

          - Trụ sở chính (hoặc Phân hiệu) có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

          - Được sự đồng ý của thủ trưởng các đơn vị chuyên môn phụ trách chương trình, ngành đào tạo, người phụ trách Phân hiệu và của Hiệu trưởng Nhà trường.

          3. Bằng tốt nghiệp khi học ở Phân hiệu do Phân hiệu cấp hay Trường Đại học Luật Hà Nội cấp? Chất lượng giảng dạy tại Phân hiệu thế nào?

          Trả lời:

         - Người học đối với các trình độ, hình thức đào tạo tại Phân hiệu, sau khi hoàn thành chương trình đạo tạo sẽ được Trường Đại học Luật Hà Nội cấp bằng tốt nghiệp như những người học được đào tạo tại trụ sở chính của Trường tại Hà Nội.

         - Chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, quy chế đào tạo được áp dụng chung, thống nhất giữa Phân hiệu và trụ sở chính của Trường tại Hà Nội. Người học tại Phân hiệu khi tốt nghiệp cũng được bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo theo quy định chung của Trường.

          4. Chương trình đào tạo ở trình độ đại học là bao nhiêu tín chỉ? Thời gian đào tạo của một khoá học là bao lâu?

          Trả lời:

         - Đối với trình độ đại học hình thức chính quy, tổng số tín chỉ toàn khoá học cần tích luỹ là 129 tín chỉ (không bao gồm học phần Giáo dục Quốc phòng - An ninh và học phần Giáo dục thể chất).

         Thời gian đào tạo: 04 năm (08 học kỳ).

         - Đối với trình độ đại học hình thức vừa làm vừa học văn bằng 1, tổng số tín chỉ toàn khoá học là 129 tín chỉ.

          Thời gian đào tạo: 09 học kỳ.

         - Đối với chương trình đào tạo cấp bằng đại học cho người đã có bằng đại học ngành khác là 109 tín chỉ

         Thời gian đào tạo: 06 học kỳ.

          Tuỳ theo khả năng của người học và điều kiện của Trường, của Phân hiệu, người học có thể đăng ký học để rút ngắn thời gian đào tạo. Người học tích luỹ đủ số tín chỉ theo quy định sẽ được công nhận tốt nghiệp.

          5. Phân hiệu có thư viện không? Tài liệu, học liệu có đa dạng để phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu không?

           Trả lời:

           Phân hiệu có Thư viện tại tầng 2 Tòa nhà Hành chính - Thư viện (D2.9). Hiện nay, tại Thư viện Phân hiệu có khoảng 750 đầu mục với hơn 16.000 quyển tài liệu; khoảng 700 cuốn tạp chí các loại bảo đảm nhu cầu học tập và nghiên cứu cho người học và giảng viên.

           Thư viện có phòng đọc và phòng máy vi tính phục vụ người học và giảng viên nghiên cứu tài liệu tại chỗ và tài liệu đã được số hóa trên cổng thông tin của Trung tâm thông tin thư viện.

          6. Học phí tại Phân hiệu như thế nào?

          Trả lời:

          Mức học phí được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính Phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm  học phí, hỗ trọ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

          7. Sinh viên thuộc đối tượng chính sách/hoàn cảnh khó khăn có được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập không?

          Trả lời:

          Sinh viên thuộc đối tượng chính sách hoặc dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn khi học tại Phân hiệu được hưởng đầy đủ các chế độ về miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

III. CÂU HỎI VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT

          1. Cơ sở vật chất tại Phân hiệu có tốt không? Phân hiệu có KTX không? Điều kiện ăn ở, sinh hoạt thế nào? Chi phí ở KTX là bao nhiêu?

          Trả lời:

        Cơ sở vật chất của Phân hiệu được đầu tư xây dựng, trang bị đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo với quy mô 2000 người học:

        - Tại phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, Phân hiệu có diện tích đất: 97.700 m2; diện tích xây dựng: 23.900 m2, các công trình đã được xây dựng gồm 03 tòa giảng đường, 02 tòa ký túc xá, tòa nhà hành chính - thư viện, nhà công vụ, căng tin, nhà thi đấu, sân vận động ngoài trời, các công trình hạ tầng và phụ trợ với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 262 tỷ đồng.

         - Tại số 02 Ybih Alêô, thành phố Buôn Ma Thuột, Phân hiệu có diện tích đất: 540,7 m2, tài sản trên đất gồm 02 ngôi nhà 02 tầng phù hợp với chức năng cung ứng các dịch vụ pháp lý, dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, làm văn phòng tuyển sinh và tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm.

           Hai tòa ký túc xá có tổng sức chứa 900 người. Phòng ở có 06 giường/01 phòng, công trình phụ khép kín (01 nhà vệ sinh, 01 nhà tắm); mức thu: 120.000 đồng/01 người/01 tháng, mỗi năm thu 10 tháng. Hiện nay, Trường đang miễn tiền ở ký túc xá năm thứ nhất cho sinh viên đại học chính quy tại Phân hiệu.